‘’Có một Việt Nam mà ta gắn bó, được tạo bởi bầu không khí, con người và ánh sáng...trong suốt hai mươi năm, tôi dõi theo từng thay đổi, như người ta có thể làm từ một căn phòng nhìn ra đất nước, con người, bản sắc của những con người ấy; những cái mốc nho nhỏ trong lịch sử miền Bắc, miền Trung đến miền Nam’’.

Đọc những dòng chữ trên người ta liên tưởng đến một nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã gắn bó với đất nước, con người trên mảnh đất hình chữ S từ hai thập kỉ nay, thế nhưng tác giả của những dòng chữ ấy lại là một người Pháp : Nicolas Cornet, một cái tên không còn xa lạ với giới yêu thích nhiếp ảnh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nicolas gắn bó với Việt Nam không chỉ bởi người vợ gốc Việt và hai đứa con mang những cái tên Việt Nam, cũng không chỉ bởi những người bạn Việt Nam, mà còn bởi những con người bình dị của đất nước này mà anh đã có dịp gặp trong đời cầm máy của mình. Trong buổi khai mạc triển lãm ảnh có cái tên khá lạ : Đứng, cuộc sống chảy đi, lời đầu tiên anh nói là để cảm ơn những người phụ nữ, đàn ông, trẻ em Việt Nam đã cho anh cơ hội được ghi lại hình ảnh của họ trong các bức ảnh của mình.

Triển lãm quy tụ hơn năm mươi bức ảnh mầu được trình bày dưới dạng một câu chuyện kể bằng ảnh. Nicolas Cornet đưa người xem vào một thế giới của những điều gợi mở ‘’ với tôi, phần gợi trong mỗi bức ảnh là rất quan trọng ; nó mang lại cho người xem ảnh khả năng tự suy ngẫm, liên tưởng đến những câu chuyện trong cuộc đời của họ. Trong các bức ảnh của mình, tôi thường đưa ra địa điểm, tình huống, ánh sáng và không khí để trí óc của người xem được lang thang trong đó.’’

Tuy các bức ảnh chụp về mọi miền của Việt Nam nhưng ta không hề thấy những khuôn hình mê ly về những bãi biển tuyệt vời, không có những trảng cát ấn tượng của miền nam trung bộ, khong có những đỉnh núi mây mờ của Sapa, hay những hòn đảo làm say lòng người của vịnh Hạ Long. Nicolas chinh phục người xem trước hết bằng sự chân thật và mộc mạc. Như một bậc thầy vềthiết kế của Nhật Bản, người cầm máy đã khéo léo gọt bỏ hết những chi tiết thừa, dễ dãi để tập trung vào câu chuyện.

Vịnh Hạ Long hiện lên với những bé em trên thuyền đang đến với cái chữ, một em nhỏ thèm thuồng ngó qua cửa sổ xem bạn học bài, những người công nhân nuôi ngọc trai ngồi nghỉ ; Hà Nội là cây cau trong bảo tàng mỹ thuật, hai cô bé đang tìm cách đọc văn bia ở Văn miếu, cánh gà trong một buổi trình diễn thời trang, hay chỉ đơn giản là một cậu bé đi xích lô với mẹ ; Sapa là những người phụ nữ dân tộc đang ăn kem, Huế là người bán bóng trên cầu Tràng Tiền...Tất cả đều giản kiệm nhưng giàu tính gợi mở, ứa tràn nhựa sống. Người xem cũng được đối diện với một quan niệm khác về nhiếp ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung : cái quan trọng không phải là tác phẩm có đẹp (theo quan niệm truyền thống, một chiều như xưa) hay không mà là nó nói lên điều gì ? Người được chụp không nhất thiết phải đẹp trên ảnh mà sự biểu cảm trên khuôn mặt, dáng vẻ, tư thế của người ấy có thật hay không. Điều này đặc biệt quan trọng trong nhiếp ảnh vì nếu được sắp xếp, tính toán từ trước, bức ảnh chỉ còn là một sự sao chép thô thiển của một thực tế ngụy tạo.

Để chụp được những bức ảnh như thế, có lẽ lời của ông Jean-Claude Pomonti, cựu đặc phái viên tại Việt Nam của nhật báo Le Monde là một lời giải thích hợp lý  : ’’Nicolas ngang dọc trên những nẻo đường Việt Nam với đủ thứ máy móc trên vai, trong đầu là sách vở, là những cuộc nói chuyện, thảo luận, những khám phá’’. Giám đốc trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phát biểu trong lễ khai mạc : ‘’Giới thiệu một triển lãm ảnh của Nicolas Cornet cũng có nghĩa là giúp công chúng khơi dậy những cảm giác đã bị những thói quen thường nhật chôn vùi và hướng cái nhìn của họ về một cuộc hành trình hình thành từ những cuộc hội ngộ, in dấu trong những bức ảnh, nơi tâm hồn nghệ sỹ và diện mạo của một Việt Nam quyến rũ gặp nhau’’.

Nicolas Cornet đặc biệt thích lặp đi lặp lại gam màu chủ đạo của anh với ba màu cơ bản : xanh lơ, xanh lục và màu hồng, như hệ màu RGB của mọi màn hình. Tại sao là hồng mà không phải là đỏ ? Phải chăng đó là lời nhắn nhủ rằng thực ra cuộc sống màu hồng ?

’Nhiếp ảnh cho phép giữ lại những khoảnh khắc của sự biến đổi, giống như những bức ảnh gia đình trong đó ta thấy bọn trẻ lớn lên, chập chững, rồi ra đi””. Đứng, cuộc sống chảy đi, nhưng nhiếp ảnh giữ lại những khoảnh khắc của cuộc sống ấy để ta cùng suy ngẫm về những cái đã xảy ra trong dòng chảy ấy.

Những câu chuyện giản dị bằng ảnh được thể hiện chân thực đã làm nên sức hút của triển lãm được giới thiệu đến hết ngày 24 tháng 4 tại 24 Tràng tiền Hà Nội.

Sinh năm 1963, Nicolas Cornet theo học chụp ảnh quảng cáo tại Thụy Sỹ và  làm việc cho nhiều tạp chí của Ý, Đức, Pháp, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, My-an-ma, Trung Quốc, Triều Tiên…Năm 2004 anh xuất bản cuốn sách ảnh đầu tiên về Việt Nam, bán được tới 7000 bản trong vòng hai năm ; Cuốn sách thứ hai mang tên «Việt Nam», được phát hành ngày 7/4/07 tại Pháp;


Trần Hà


http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=80&NewsId=12296